Mi mắt là bộ phận che chắn và bảo vệ nhãn cầu, nhưng lại bị các tác nhân gây bệnh tấn công dữ dội. Vì vậy, các bệnh nhiễm trùng và viêm tại chỗ của mi mắt cũng thật đa dạng, từ chắp, lẹo đến viêm bờ mi. (dị ứng mỹ phẩm)
Tỷ lệ viêm bờ mi khá cao nhưng thường bị bỏ qua vì không gây mù lòa, không gây chết người. Thế nhưng, những khó chịu mà bệnh này gây ra, lượng thuốc men mà người bệnh phải hao tốn lại không hề nhỏ. Nhiều người còn tự mua thuốc hoặc mách bảo nhau dùng những thuốc có chứa cortizol kéo dài. Triệu chứng bệnh thì có giảm nhưng những hệ lụy mà nó đem lại thật nguy hiểm khôn lường: bội nhiễm nấm, vi khuẩn, glaucoma do dùng cortizol kéo dài, đục thủy tinh thể... Các nhà khoa học Anh, Mỹ chia các bệnh viêm nhiễm tại mi làm 4 nhóm chính: lẹo, chắp, viêm phần trước mi (viêm bờ mi), viêm phần sau mi (viêm và loạn năng tuyến Meibomius). Có rất nhiều yếu tố gây viêm mi như vệ sinh kém, bội nhiễm các vi khuẩn gây bệnh trong vật dụng hằng ngày (khăn mùi xoa chẳng hạn); bụi, ô nhiễm, sử dụng máy điều hòa, chứng khô mắt, đái tháo đường, vảy nến. Chính thầy thuốc cũng có thể góp phần gây viêm bờ mi cho bệnh nhân khi dùng các nội tiết tố như oestrogen, androgen hay điều trị tia xạ kéo dài. Thủ phạm gây viêm bờ mi thường là tụ cầu, nấm hay nhiễm demodex. Viêm mi do tụ cầu thường gây chắp hay hay lẹo, loét trợt bờ mi, nặng hơn có thể gây viêm giác mạc ở 1/3 dưới.
Viêm bờ mi Bệnh nhân thường than phiền về cảm giác nóng rát trong mắt, cộm như có cát ở trong mắt, chảy nước mắt, đau mức độ trung bình tại mắt và mi, đôi khi bệnh nhân cảm giác nhìn mờ, nhất là vào buổi sáng. Khi thăm khám lâm sàng, thấy bờ mi đỏ, quanh chân lông mi có nhiều chất bẩn và vảy tiết, kèm theo đó là tình trạng giãn mao mạch dọc theo phần trước của bờ tự do. Các lỗ ra của tuyến giãn rộng và nhiều chất bã nhờn. Cũng có thể có tình trạng bã tiết các chất bọt. Thường thì viêm bờ mi sẽ đi kèm với viêm kết mạc, gọi là viêm bờ mi-kết mạc. Bệnh viêm mi tăng tiết bã nhờn: Chính tên bệnh đã phản ánh bản chất của nó. Thường là bệnh thứ phát trên cơ địa viêm da tăng tiết bã nhờn. Các tổn thương tại da: Ban đỏ, đóng vảy ở chân tóc và vùng mặt, thường có trước những tổn thương tại mi. Các yếu tố thuận lợi cho bệnh phát triển là khí hậu lạnh, nghiện rượu, bệnh lý thần kinh, tình trạng stress hay AIDS. Tiến triển của viêm mi thường song song với tình trạng tổn thương ở da (thoái triển hoặc kịch phát). Bệnh trứng cá đỏ: Trứng cá đỏ gây phiền toái cho khoảng 10% dân số thế giới, trong đó 50% có biểu hiện tại mắt. Các yếu tố khơi mào cho bệnh phát triển có thể là nhiệt độ bất thường (quá nóng hoặc quá lạnh), da sáng màu, ăn nhiều gia vị hoặc các chất cay, nóng, bia, rượu, thuốc lá… Những biểu hiện của bệnh trứng cá đỏ rất đa dạng: viêm mi, phình giãn mao mạch ở bờ mi, đa chắp tái phát, kết mạc cương tụ, viêm thượng củng mạc, tân mạch giác mạc, mụn nước và loét bờ mi. Trứng cá đỏ thường đi kèm với loạn năng tuyến Meibomius. Viêm mi do loạn năng tuyến Meibomius: Tuyến Meibomius là một tuyến ngoại tiết mà các lỗ mở ra bờ tự do của mi, phía sau các chân lông mi. Chức năng của nó tạo ra lớp lipid của phim nước mắt, lớp này có tác dụng chống bay hơi cho phim nước mắt và quyết định chất lượng của phim nước mắt. Viêm, nhiễm trùng, quá mẫn cảm là những yếu tố có thể thay đổi chất lượng của phim nước mắt và cũng là nguyên nhân viêm bờ mi. Hậu quả chủ yếu của viêm bờ mi là cảm giác khô rát mắt. Nguyên nhân là nước mắt bị bay hơi quá nhanh do lớp mỡ của phim nước mắt có chất lượng kém - một hệ quả tất yếu của loạn năng tuyến Meibomius. Viêm bờ mi có xu hướng mạn tính và kèm theo nó là các biến chứng tiềm tàng và khó tránh khỏi. Việc điều trị giúp kiểm soát tình hình chứ gần như không thể làm khỏi bệnh hoàn toàn được. Phương pháp điều trị bao gồm: Vệ sinh cá nhân, chủ yếu là rửa tay, dùng khăn lau loại một lần, massage nhiều lần trong ngày lên bờ mi có dùng găng tay và gạc chườm nóng hoặc dùng gel đặc trị đánh lên bờ mi bằng tăm bông. Các biện pháp trên chủ yếu để dẫn lưu tuyến Meibomius. Điều trị bằng kháng sinh tại chỗ hoặc đường toàn thân đôi khi rất hữu ích. Các kháng sinh được khuyên dùng thuộc nhóm tetracycline và oxytetracycline như mỡ tetracycline, mỡ posicycline và nhóm sunfamide như bacitracine.
Bệnh chắp Đó là một khối u lành tính trên mi. Chắp chính là vùng sưng phồng xuất hiện ngay trên vùng bị tắc nghẽn các ống tuyến Meibomius. Trên lâm sàng, chắp biểu hiện như một khối tròn nhỏ, sưng đỏ. Vị trí thường ở ngay sát bờ tự do của mi. Chắp có 3 hình thái lâm sàng: Ở phía trong, ở phía ngoài và ngay trên bờ tự do. Tiến triển của chắp có thể theo nhiều hình thức: Nang hóa, gây khó chịu cho mắt và buộc phải chích tháo mủ; hóa mủ và ápxe hóa; tự vỡ mủ hoặc rò mủ ra ngoài da; tự khỏi. Dù là tiến trình nào thì chắp cũng có thể tái phát. Điều trị thường là chườm nóng, dùng kháng sinh kết hợp với corticoide tại chỗ trong 7 ngày. Có tới 50% các trường hợp phải giải quyết bằng thủ thuật ngoại khoa, khi chắp đã ở giai đoạn “nguội” - ngoài giai đoạn viêm cấp.
Bệnh lẹo
Đó là hiện tượng viêm cấp của tuyến bã quanh chân lông mi, nguyên nhân thường do tụ cầu. Ban đầu chỉ là phù mi rồi xuất hiện một ổ sưng, đỏ, đau khi chạm vào. Sau vài ngày, cảm giác đau sẽ trở thành nhức buốt kèm theo sự hóa mủ vàng tại chân lông mi. Những khó chịu này sẽ biến mất nếu lẹo vỡ mủ và thoát ra ngoài cùng với lông mi. Điều trị thường bằng chườm nóng, mỡ kháng sinh có phối hợp với corticoide trong 48 giờ đầu. Sau đó chích tháo mủ sẽ được xem xét. Những trường hợp nặng có phù nề mạnh, phản ứng viêm hạch lân cận thì bắt buộc phải dùng kháng sinh đường uống. Để đề phòng lẹo thì chỉ có một cách là vệ sinh bờ mi thật tốt.
Người gửi / điện thoại
Copyright © 2019. Diendandiung.com