Trong tổng số vụ vi phạm về kinh doanh, sản xuất mỹ phẩm thì 50% là giả nhãn hiệu; 17% giả kiểu dáng, nguồn gốc và còn lại là hàng nhập ngoại không hóa đơn, chứng từ.
Cứ vào dịp cuối năm là mỹ phẩm dỏm lại tung hoành. Gần đây, các bệnh viện (BV) liên tục tiếp nhận nhiều trường hợp chị em có vấn đề ở khuôn mặt do dùng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc và không đúng cách.
Quá tin “bác sĩ Google”
Mới đây, sau khi thức dậy, chị Trần Thị S. (22 tuổi, ngụ Tiền Giang) bỗng thấy da mặt mình xuất hiện mẩn đỏ và ngứa. Chị được người bạn giới thiệu một loại mỹ phẩm được cho là rất tốt cho da, không chỉ trị ngứa, mẩn đỏ mà còn giúp làm trắng, dưỡng da.
Thế nhưng, sau 2 tuần sử dụng mỹ phẩm “rất tốt” này, mặt chị S. xuất hiện tình trạng dị ứng mỹ phẩm, các mụn nước li ti, tình trạng đỏ da kèm bỏng rát ngày càng tăng. Khi chị đến BV khám, bác sĩ phải kê toa các thuốc kháng sinh, kháng viêm loại mạnh và thuốc dưỡng da... với hy vọng phục hồi tình trạng ban đầu.
Trường hợp khác là chị Đào Anh T. (25 tuổi, ngụ TP HCM). Lâu nay, da mặt chị không hề nổi mụn. Hôm nọ, đột nhiên thấy trên mặt nổi vài mẩn đỏ nhưng ngại đi khám, chị đã lên Google tìm hiểu rồi đặt mua một loại kem không rõ xuất xứ với giá 900.000 đồng/hộp. Bôi liên tục 1 tuần, mẩn đỏ không những không hết mà càng nặng thêm với các triệu chứng như da đỏ, ngứa, bong vảy, cảm giác châm chích khắp mặt. Khi chị đến cầu cứu bác sĩ cũng là lúc khuôn mặt đã bị tàn phá khá nặng nề, buộc phải điều trị dị ứng lâu dài.
Bà Nguyễn Mai P. (45 tuổi, ngụ Cà Mau) cũng là nạn nhân của việc tự làm đẹp bằng thuốc. Nhằm che lấp sự lão hóa ở tuổi trung niên, bà mua hộp mỹ phẩm dưỡng da, làm trắng da ở một nhà thuốc tây. Những ngày đầu, bà thấy mỹ phẩm này có hiệu quả như lời giới thiệu của người bán. Nhưng sau khoảng 3 tuần, bà có cảm giác da bị mỏng dần đi... “Thế là bác sĩ yêu cầu ngưng ngay loại kem đó vì bị dị ứng kem trộn có chứa corticoid” - bà kể lại.
ThS-BS Tài, khoa Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng BV Đại học Y Dược TP HCM, cảnh báo khi mua phải mỹ phẩm dỏm hoặc dùng thuốc không đúng cách, người bệnh sẽ gặp những vấn đề đáng tiếc, như: ngứa da, nổi mẩn đỏ, ban xuất huyết, teo da, bong vảy, mụn nước, mụn mủ...
Công nghệ “xô chậu”
Các chuyên gia da liễu khuyến cáo trong một số loại mỹ phẩm có chứa corticoid. Sản phẩm làm trắng da càng nhanh thì nguy cơ chứa corticoid càng cao. Tuy nhiên, phía sau tác dụng trắng da của corticoid là những hậu quả nặng nề, người dùng bị biến chứng trong một thời gian dài hoặc khi ngưng sử dụng.
BS Tài cho biết thị trường mỹ phẩm tại Việt Nam hiện rất đa dạng, từ những nhãn hàng cao cấp của các thương hiệu nổi tiếng có giá hàng triệu đồng đến những mặt hàng bình dân giá chỉ vài chục ngàn đồng. Thực tế cho thấy đại bộ phận người dân, đặc biệt là nữ giới, rất ưa chuộng mỹ phẩm. Nắm bắt tâm lý và nhu cầu làm đẹp của chị em, các “nhà sản xuất” đã tung ra những loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, các loại kem trộn không rõ thành phần... kèm theo lời quảng cáo đường mật đánh lừa người tiêu dùng.
Theo Chi cục QLTT TP HCM, mỹ phẩm giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc hiện rất phổ biến, thường tập trung tại các điểm bán sỉ và phân tán trong các chợ nhỏ. Gần đây, cơ quan chức năng đã bắt quả tang một kho hàng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc trị giá lên tới hơn 2 tỉ đồng tại quận Thủ Đức. Trong tổng số vụ vi phạm về kinh doanh, sản xuất mỹ phẩm thì tình trạng giả nhãn hiệu chiếm đến 50%; hàng giả kém chất lượng 22%; giả kiểu dáng, nguồn gốc 17% và số còn lại là hàng nhập ngoại không hóa đơn chứng từ.
PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết mỗi năm, ngành y tế TP đình chỉ lưu hành, buộc thu hồi hàng trăm mặt hàng mỹ phẩm nhưng đó chỉ là bề nổi. Hàng ngàn loại mỹ phẩm không nguồn gốc, kém chất lượng, thậm chí độc hại, vẫn chưa thể kiểm soát hết trên thị trường. Qua kiểm tra, giám sát, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều cơ sở sản xuất dùng “công nghệ” thô sơ, chủ yếu pha trộn trong xô chậu bằng các loại hóa chất không nguồn gốc, chỉ thao tác đơn giản là cho ra các loại mỹ phẩm với những tên mỹ miều, thậm chí nhái cả hàng hiệu...
Xử trí khi dị ứng mỹ phẩm
Theo các chuyên gia dị ứng, các dấu hiệu thường thấy khi da bị kích ứng, dị ứng với mỹ phẩm là sau khi sử dụng vài phút hoặc nhiều giờ, người dùng bắt đầu có các biểu hiện như ngứa, nổi mẩn đỏ, cảm giác châm chích, bỏng rát, sưng phù, nổi mụn trứng cá, bóng nước, bong vảy da… Ngay khi có một trong các triệu chứng này, phải lập tức ngưng sử dụng, rửa sạch vùng da đã bôi mỹ phẩm nhằm hạn chế tác động, không dùng các loại mỹ phẩm khác (phấn trang điểm…), không sờ, nặn, hạn chế tiếp xúc ánh nắng...
Người gửi / điện thoại
Copyright © 2019. Diendandiung.com