logo
banerslogan

Xử lý các loại dị ứng da thường gặp hiện nay

Viêm da tiếp xúc, dị ứng với ánh nắng mặt trời, dị ứng mỹ phẩm, bị mề đay cấp tính… là các loại dị ứng da thường gặp. Vậy triệu chứng dị ứng da là gì? Cách điều trị ra sao? Những thông tin dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp được những vấn đề này. (điều trị dị ứng mỹ phẩm)

Các loại dị ứng da thường gặp và cách xử lý

Tìm hiểu về các loại dị ứng da và cách điều trị
Tìm hiểu về các loại dị ứng da và cách điều trị

Cơ thể chúng ta được bảo vệ bởi một hệ thống miễn dịch. Nó có chức năng phát hiện và triệt tiêu các tác nhân gây hại, khiến chúng không thể xâm nhập để gây bệnh. Tuy nhiên, vì một tác động nào đó khiến hệ miễn dịch phản ứng quá mức với các dị nguyên, gây ra sự rối loạn sẽ dẫn đến dị ứng. Dị ứng được chia thành nhiều loại. Tùy vào từng loại dị ứng mà chúng có thể gây nên các triệu chứng khác nhau. Điều này cũng sẽ dẫn đến sự khác biệt trong việc xử lý.

Bên cạnh các loại dị ứng khác như dị ứng thuốc, dị ứng đường hô hấp, dị ứng thức ăn thì dị ứng da cũng là một trong những loại dị ứng dễ mắc phải. Dưới đây là thông tin về các loại dị ứng da và cách điều trị:

Viêm da tiếp xúc

Viêm da tiếp xúc còn được gọi là chàm tiếp xúc, xảy ra khi da của bệnh nhân tiếp xúc trực tiếp với một số chất nào đó. Tùy vào loại chất tiếp xúc, thời gian tiếp xúc và nhất là tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người mà tình trạng dị ứng có thể ở mức độ nặng hoặc nhẹ. Lúc này, người bệnh sẽ thấy xuất hiện các triệu chứng như: Da đỏ, phát ban, có cảm giác ngứa tại vị trí chất lạ tiếp xúc với da.

Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng phản ứng xảy ra khi làn da tiếp xúc với các chất này có thể là do dị ứng hoặc không do dị ứng. Chúng ta cũng rất khó để phân biệt được 2 loại phản ứng này với nhau. Để phân biệt, chỉ có thể dựa vào vị trí tiếp xúc. Nếu là phản ứng dị ứng, các triệu chứng dị ứng sẽ chỉ xảy ra tại vị trí da bị tiếp xúc. Còn đối với phản ứng không dị ứng, chúng có thể xảy ra trên toàn thân.

Đối với những trường hợp bị viêm da tiếp xúc, có thể tham khảo và điều trị dị ứng theo cách sau:

  • Tránh xa các chất gây dị ứng hoặc nghi ngờ gây dị ứng.
  • Làm sạch các chất gây dị ứng trên da bằng cách rửa thật sạch bằng xà phòng và nước ấm. Bên cạnh đó, người bệnh có thể dùng khoảng 2 thìa bột soda khuấy vào nước lạnh, cho khăn sạch vào ngâm. Sau đó vắt ráo nước để đắp lên da. Áp dụng cách này có thể làm giảm triệu chứng phát ban, sưng đỏ da.
  • Da bị dị ứng sẽ gây ngứa ngáy, khó chịu và bệnh nhân thường phản xạ bằng cách gãi ngứa. Điều này có thể làm cho vùng da bị kích ứng nặng hơn, thậm chí gây nhiễm trùng và cần phải sử dụng đến các loại thuốc kháng sinh.
  • Với những trường hợp bị bệnh nhẹ, sử dụng kem có chứa hoạt chất hydrocortisone hoặc calamine. Nếu bệnh đã nặng, các bác sĩ có thể chỉ định cho loại kem với tác dụng mạnh hơn như các loại kem có  steroid.
  • Trường hợp là các tổn thương khô, nên dùng các loại kem thoa ngoài dạng mỡ có chứa corticoid hoặc những loại kem mỡ chứa kháng sinh như Fucidin. Điều này sẽ giúp bệnh nhân tránh được nguy bị nhiễm trùng.
  • Nếu cần thiết, có thể dùng các loại thuốc kháng histamin như diphenhydramine để làm giảm các triệu chứng đau, ngứa rát.
  •  

    Có thể sử dụng các loại kem dưỡng an toàn để giúp cân bằng độ ẩm cho da
    Có thể sử dụng các loại kem dưỡng an toàn để giúp cân bằng độ ẩm cho da

Thông thường, viêm da tiếp xúc sẽ khỏi nếu như cách ly được với các chất gây bệnh và được chăm sóc đúng cách. Vì thế bệnh nhân không nên quá lo lắng khi không may gặp phải tình trạng này. Tuy nhiên, khi thấy vùng da bị ứng gần các vị trí nhạy cảm như mắt miệng hoặc thấy các triệu chứng ngày càng nặng thì nên đi khám để nhận được sự chỉ định điều trị từ chuyên gia.

Dị ứng mỹ phẩm

Dùng mỹ phẩm để làm đẹp là điều không thể thiếu đối với phụ nữ. Ngày nay, với sự ra đời ngày càng nhiều của những sản phẩm làm đẹp thì lựa chọn được cho mình các loại mỹ phẩm phù hợp cũng không phải dễ dàng. Do đó, không ít người lựa chọn sai sản phẩm. Hệ quả là họ bị dị ứng mỹ phẩm do không phù hợp với một số thành phần có trong mỹ phẩm đó.

Đây là một trong các loại dị ứng da phổ biến mà bất cứ chị em nào cũng có thể mắc phải. Các triệu chứng dễ nhận thấy nhất khi dị ứng mỹ phẩm là: Làn da nổi mụn trứng cá, nổi mề đay, khô da, teo da, làn da sưng đỏ, chàm tiếp xúc, gây lão hóa da, sạm da… Nếu không may gặp phải tình trạng này, bệnh nhân có thể xử lý theo cách sau:

  • Ngưng sử dụng sản phẩm ngay lập tức nếu sau khi thoa thấy da bị nổi sẩn đỏ, ngứa. Sau đó, rửa thật sạch da mặt dưới vòi nước mạnh để làm sạch mỹ phẩm.
  • Nhiều trường hợp các triệu chứng sẽ biến mất nếu được làm sạch mỹ phẩm trên da. Tuy nhiên, với những người bị dị ứng nặng thì cần phải điều trị dị ứng mỹ phẩm. Tùy vào cơ địa và mức độ dị ứng mà các bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân các loại thuốc khác nhau. Nếu bệnh nhẹ, chỉ cần dùng các loại thuốc bôi ngắn hạn có corticoid như Dermovat, Eumovate, Flucinar… Trường hợp bị ứng rất nặng, có thể dùng kết hợp với các loại thuốc kháng dị ứng như Celestamine, Clarytine, Pipolphen, Peritol, Semprex… Có thể uống thêm vitamin C ở liều cao. Sau khi điều trị bằng các loại thuốc này thì thường sau khoảng 3 ngày, các triệu chứng sẽ mau chóng khỏi.

Để tránh dị ứng mỹ phẩm, tốt nhất là các chị em hãy test trước sản phẩm để thử mức độ phản ứng của da. Cách thực hiện như sau: Thoa một ít kem lên vùng da ở cổ tay. Sau đó để nguyên trong vòng 24 – 48 tiếng. Nếu thấy vùng da thoa kem không có phản ứng gì bất thường thì bạn có thể dùng nó để bôi lên da mặt.


Dị ứng mỹ phẩm là một trong những loại dị ứng da thường gặp
Dị ứng mỹ phẩm là một trong những loại dị ứng da thường gặp

Dị ứng với ánh nắng mặt trời

Nghe có vẻ khó tin nhưng sự thật là ánh mặt trời có thể gây dị ứng cho chúng ta. Theo các chuyên gia, nguyên nhân gây nên tình trạng này chính là do các tia cực tím có trong ánh nắng mặt trời. Bởi khi được chiếu xuyên qua da, tia này sẽ làm tổn thương các tế bào và khiến cho một số protein trong tế bào bị biến đổi. Những protein này bị biến đổi sẽ trở thành các protein lạ hay nói cách khác, nó đã trở thành những kháng nguyên đối với cơ thể. Nhận thấy những dị nguyên lạ này, hệ thống miễn dịch sẽ bắt đầu sản sinh ra kháng thể để chống lại và gây nên tình trạng dị ứng.

Bất cứ ai cũng có thể bị dị ứng ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên, các yếu tố làm tăng nguy cơ loại dị ứng này là các hóa chất trong dầu gội, kem bôi da, bệnh lý như lupus ban đỏ, dùng các loại thuốc tây như kháng sinh, các loại thuốc kháng viêm giảm đau, di truyền… Để điều trị, bệnh nhân có thể được chỉ định áp dụng các biện pháp sau đây:

  • Dùng các loại thuốc nhóm corticoid dạng kem thoa ngoài. Những loại thuốc kháng histamin đường uống cũng sẽ được chỉ định nếu thấy xuất hiện các triệu chứng dị ứng.
  • Sử dụng đèn chiếu tia cực tím để chiếu thẳng vào vùng da thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng. Phương pháp này sẽ giúp làn da làm quen được với ánh mặt trời. Từ đó giảm thiểu được nguy cơ bị dị ứng ánh nắng mặt trời.

Việc áp dụng các biện pháp dự phòng cũng đóng vai trò quan trọng. Để giảm thiểu được nguy cơ dị ứng, bệnh nhân nên thực hiện một vài biện pháp như sau:

  • Tránh để làn da tiếp xúc với nắng bằng cách mặc quần áo dài ống, đeo khẩu trang khi đi giữa trời nắng.
  • Sử dụng các loại kem dưỡng da có thành phần tự nhiên để tránh làm cho da bị khô.
  • Uống nhiều nước và ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin.
  • Hạn chế đi ra ngoài giữa trưa, khi trời đang nắng gay gắt.
Ánh sáng mặt trời là một trong những nguyên nhân gây nên dị ứng
Ánh sáng mặt trời là một trong những nguyên nhân gây nên dị ứng

Nổi mề đay cấp tính và phù mạch

Ngoài dị ứng mỹ phẩm, viêm da tiếp xúc thì đây cũng là một trong các loại dị ứng da thường gặp. Nổi mề đay cấp tính xảy ra khi cơ thể bị tác nhân vật lý bên ngoài tác động vào, chẳng hạn như do cọ xát da, do lạnh hoặc nóng, vận động quá sức… Lúc này, bệnh nhân thường có các biểu hiện như các vết sưng đỏ xuất hiện trên da, da ngứa. Đối với phù mạch, chúng xảy ra ở những lớp da sâu, không gây ngứa, không đỏ. Đôi khi còn thấy xuất hiện cùng với phát ban. Cách chữa và dự phòng phát ban phù mạch cũng cần phải tiến hành tương tự như các loại dị ứng da khác. Cụ thể  như sau:

  • Cần xác định được căn nguyên gây bệnh để loại bỏ triệt để.
  • Nếu nổi mề đay do thực phẩm hoặc thuốc, cơ thể sẽ cần khoảng vài ngày mới đào thải hết tác nhân gây dị ứng ra khỏi cơ thể. Với những đối tượng này, bác sĩ sẽ không chỉ định cho bệnh nhân sử dụng các loại thuốc kháng histamin nếu tác nhân gây dị ứng chưa được loại bỏ hết.
  • Đối với những người bị mề đay mạn tính, dù đã áp dụng các biện pháp điều trị nhưng việc kiểm soát sự tái phát của phát ban là điều không thể. Nhưng vẫn có thể làm giảm tần suất xuất hiện của chúng.

Dị ứng với vết đốt của côn trùng

Loại dị ứng này xảy ra trên da khi cơ thể bị một loại côn trùng nào đó như ong bắp cày, kiến lửa, tò vò, muỗi đốt. Đa số trường hợp bị dị ứng côn trùng đốt chỉ xuất hiện triệu chứng cục bộ tại vị trí bị đốt. Thường là có một vết sưng tấy xuất hiện do sự giải phóng histamin và các chất khác từ mô ở tại vị trí gần chỗ bị đốt.

Để giảm sưng, các loại thuốc mỡ kháng histamin sẽ được chỉ định. Ngoài ra, bệnh nhân có thể dùng một túi đá lạnh để chườm lên vị trí cần thiết. Tuy nhiên, với những bệnh có cơ địa quá mẫn cảm, phản ứng dị ứng diễn tiến nhanh chóng và gây nên phản ứng toàn thân. Lúc này, triệu chứng dị ứng sẽ không chỉ xuất hiện ở vị trí bị đốt mà còn lan khắp cơ thể gây sốc phản vệ, thậm chí đe dọa trực tiếp đến tính mạng.

Dị ứng với các loại cây như thường xuân, cây suman độc, cây sồi độc

Làm sạch da để loại bỏ các tác nhân gây dị ứng
Làm sạch da để loại bỏ các tác nhân gây dị ứng

Nhựa của những loại cây này đều có chứa một chất có tên là urushiol. Nó gây phản ứng dị ứng khi không may da của chúng ta chạm vào. Lúc này, làn da sẽ bị phát ban, ngứa. Những triệu chứng này có thể xảy ra ngay sau khi tiếp xúc khoảng vài giờ hoặc tận vài ngày sau đó.

Dị ứng Niken

Trong số các loại dị ứng da, dị ứng Niken cũng là  một trong những loại dị ứng dễ gặp. Nó xảy ra khi cơ thể tiếp xúc với một sản phẩm có chứa niken. Khi bị dị ứng loại này, bệnh nhân thường có các triệu chứng sau:

  • Nổi mẩn đỏ trên da hoặc làn da bị thay đổi màu sắc
  • Cảm thấy ngứa ngáy, ngứa có thể nặng hoặc nhẹ tùy thuộc vào mức độ dị ứng.
  • Xuất hiện các mảng da khô giống như bị bỏng
  • Có vết phồng rộp và bị chảy dịch nghiêm trọng

Việc điều trị dị ứng Niken cũng cần phải dựa trên nguyên tắc tránh xa chất gây dị ứng. Tiếp đó, các bác sĩ có thể kê cho bệnh nhân một số loại thuốc để làm giảm kích ứng da như:

  • Các loại kem không steroid và kem corticoid
  • Thuốc kháng histamin như Cetirizine, fexofenadine
  • Dùng các sản phẩm dưỡng da có thành phần tự nhiên, dịu nhẹ để làm ẩm da, tránh tình trạng da bị khô.
  • Đắp gạc ướt.

Trên đây là các loại dị ứng da thường gặp và cách xử lý. Vì mỗi loại dị ứng đều xuất phát từ những nguyên nhân khác nhau, các triệu chứng và phương pháp điều trị cũng khác nhau. Do đó, hiểu rõ các loại dị ứng này sẽ giúp bệnh nhân chủ động hơn trong việc điều trị và phòng ngừa cho bản thân.


Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 

dt2_2

Copyright © 2019. Diendandiung.com

1
Bạn cần hỗ trợ?