Tại BV da liễu HCM, tuy không có những thống kê cụ thể, tuy nhiên theo bác sĩ Nguyễn Trọng Hào lượng bệnh nhân nữ đến điều trị do hậu quả của các laoij kem chứa corticoid là rất thường gặp.
Nghe bạn mách, Nhung (Vĩnh Cửu, Đồng Nai) đến tiệm tạp hóa ở chợ làng mua về hũ “kem trộn” bôi để trị mụn. Thời gian đầu mụn trên mặt bớt hẳn, da căng mọng và trắng hồng, song 5 tháng sau mỏng hơn, mụn bắt đầu mọc nhiều, da mặt ngứa và dễ bị kích ứng.
Nhung cho biết, từ hồi mới lớn chị đã bị mụn trứng cá, mặc dù đã tìm nhiều cách chữa mụn trứng cá nhưng vẫn không bớt nên vừa nghe bạn chỉ đi mua kem trộn về dùng, vừa sạch mụn vừa trắng da nên chị tin ngay.
“Mình đến hỏi mua kem trộn, bà chủ quán nhanh nhảu đưa cho một hộp bằng 3 ngón tay, màu hồng không ghi nhãn mác gì cả. Bà ấy còn cam kết là hiệu quả chỉ sau một tuần. Đúng là thời gian đầu dùng da rất đẹp, trắng mịn và bớt hẳn mụn, nhưng càng về sau mụn càng nhiều hơn”, chị tâm sự.
Thấy vậy nên ngay sau đó Nhung đã dừng hẳn không dùng kem trộn nữa nhưng khuôn mặt vẫn sưng tấy, da đỏ và căng, các loại mụn bọc, trứng cá đầu trắng đầu đen thi nhau đùn lên. Hiện giờ mỗi lần ra đường, chị phải bịt khẩu trang vì mặc cảm khuôn mặt hoa gấm....
Khi được hỏi về thành phần loại kem trị mụn làm trắng da “không đụng hàng” này, bà Hòa, chủ một cửa tiệm tạp hóa kiêm “pha chế” kem trộn tại chợ Bến Cát (Đồng Nai) chỉ nhớ, bà dùng một số loại kem đang được bán rộng rãi trên thị trường như Thanh Thảo, Thanh Hiền, cô gái tóc xù… để trộn vào. “Mỗi loại kem có một tác dụng riêng lẻ như làm mịn da, trị mụn hoặc trắng da. Khi mình trộn vào thì sẽ nhiều tác dụng hơn. Ở đây cũng vài tiệm bán nhưng tiệm của tôi là khách đông nhất”, bà Hòa tự hào giải thích.
Tuy nhiên khi được hỏi về giấy phép hành nghề hay trình độ chuyên môn, bà Hòa cười xòa bảo: “Làm gì có chuyên môn gì. Công thức phối là do tôi tự nghĩ ra, một phần do mấy người khác chỉ, chủ yếu là kinh nghiệm thôi”.
Còn chị Thương (quê ở Vĩnh Long) mặc dù mặt không có mụn nhưng muốn cho da trắng hơn nên chị cũng tìm đến kem trộn vì nghe bảo giá tiền khá rẻ chỉ chưa đến 10.000 đồng một hộp dùng trong hơn một tháng. Tìm đến một tiệm mỹ phẩm gần nhà hỏi mua hũ kem trộn, chủ tiệm đưa cho chị một hũ màu trắng, nắp xanh nhỏ bằng hai ngón tay, bên trong là lớp kem dạng gel đặc, để một lúc lâu thì kem chảy nước vàng ra. Chủ tiệm dặn chị mỗi lần thoa kem thì trộn đều lên mới sử dụng.
“Mỗi ngày mình đều thoa hai lần buổi sáng và tối. Chỉ 5 ngày sau da đã mịn và sáng hơn mình tưởng hiệu quả, thế nhưng chỉ được vài tuần thì da bắt đầu sủi mụn chi chít từng mảng trên mặt như bị giời leo. Mình sợ quá không dám dùng nữa nhưng giờ vẫn còn sẹo đầy nè”, chị Thương tay chỉ đám sẹo mụn trên mặt xuýt xoa.
Hiện nay trên các diễn đàn mạng, nhiều chị em từng là “nạn nhân” của kem trộn cũng chia sẻ kinh nghiệm đau thương của mình. Đa phần đều khuyên không nên dùng loại này để làm đẹp vì “chỉ có lợi trước mắt mà tác hại khôn lường”.
“Thấy cô bạn hàng xóm dạo này da trắng hồng căng mịn, em hỏi thăm thì bảo dùng kem trộn. Da em hơi đen nên cũng hối hả đi mua một hộp làm trắng toàn thân về bôi thử. Bà chủ quán bảo là ‘bí quyết gia truyền’ với giá 35.000 đồng to bằng bàn tay. Nhưng chỉ xài được một thời gian em thấy người cứ căng ra, sưng phù, đỏ ngứa, chỗ nào bôi nhiều thì da teo và nhăn lại thấy rõ mạch máu. Có phải là do dị ứng không?”, nickname Mecubi “đăng đàn” trên trang myphamforum hỏi.
Từng có kinh nghiệm dùng loại kem “độc” này, thành viên Kimngan kể, thời gian đầu dùng thử chị thấy hài lòng vì da căng mịn, trắng hơn nên vội mách cho vài đồng nghiệp. “Nhưng rồi chỉ ít lâu sau mặt mình bắt đầu ngứa, da mặt ửng đỏ, mụn mủ lan ra khắp mặt đen như cháy khê vậy. Sau đó mình đem hộp kem đến bệnh viện da liễu thì bác sĩ bảo trong đó có chứa corticoid khi bôi lên sẽ làm da mỏng và căng, rất có hại cho da và mức độ tác hại cũng tùy từng người”.
Vì thế chị này khuyên những người đã lỡ dùng kem trộn không nên tiếp tục nữa. “Nếu bây giờ da mặt chưa có biểu hiện nặng quá như mình kể thì bạn có thể dưỡng da mặt ở nhà phải qua ba công đoạn: làm sạch, thể dục cho cơ mặt và dùng mỹ phẩm dưỡng da. Còn nếu nặng hơn thì bạn phải đến viện da liễu để khám”, Kimngan viết.
Không đến nỗi tiền mất tật mang như trên, thành viên Lamthida kể, trước đây chị cũng dùng kem trộn, sau một thời gian mặt hết mụn thì chị ngưng lại. Tuy nhiên từ đó da trở nên nhạy cảm, dễ dị ứng với mọi loại mỹ phẩm.
Thành viên này cho biết, theo quan sát của chị các loại kem người bán dùng để trộn bây giờ dán nhãn mác gắn với các tên tuổi đánh lừa người tiêu dùng với các tên rất mỹ miều như Rojzy Jiali, Zale, Arché, Fluocinonide Ointment, Yoaung One, ngoài ra còn Thanh Thảo, Thiên Thu… “Nhưng mình khuyên các bạn cẩn thận khi sử dụng kem trộn. Nếu muốn đẹp thì dùng một thời gian ngắn rồi từ từ dùng thưa đi và thôi hẳn. Mà các bạn nhớ lưu ý, dùng kem trộn làm da rất mỏng, lại dễ ăn nắng và dễ bị tổn thương lắm nên khi ra nắng phải che chắn kỹ”, Lamthida dặn dò.
Bác sĩ Trần Quang Nam bệnh viện 115 cho biết, corticoid có tác dụng kháng viêm, chống dị ứng và ức chế miễn dịch. Ứng dụng những đặc tính này để điều trị nhiều bệnh lý khác nhau. Một số trường hợp cần dùng corticoid như dị ứng ngứa nổi mề đay, phù do dị ứng, bệnh ngoài da như chàm, vẩy nến, viêm da dị ứng cơ địa.
"Tuy nhiên khi bệnh nhân cần dùng corticoid phải có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, vì nếu dùng không đúng sẽ gây ra nhiều tác dụng có hại cho cơ thể", ông Nam nói.
Theo bác sĩ Nam, những tác dụng thường gặp ở những người cùng corticoid lâu dài là cơ thể mập ra, bụng to, chân tay teo lại, da mỏng dễ bầm máu, nứt da bụng. Ngoài ra, người bị biến chứng corticoid còn bị nổi mụn trứng cá, rậm lông, teo cơ mông, mất ngủ, nóng nảy, kém chú ý, có cơn hưng phấn hay trầm cảm, ý định tự tử. Với thai phụ, corticoid có thể gây hại cho thai nhi.