logo
banerslogan

Chữa bệnh nhân bị viêm da dị ứng

Cô gái 23 tuổi, đến khoa Da liễu Thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, khám do mặt bị phù, nhiều mụn nước kèm đau, ngứa.

Bác sĩ Thái Thanh Yến, Khoa Da liễu Thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết bệnh nhân đang ở giai đoạn cấp tính viêm da dị ứng. Tìm hiểu dịch tễ cho thấy bệnh nhân bị kích ứng sau khi tiếp xúc với lông động vật, không điều trị dị ứng khiến bệnh chuyển biến nặng. 

"Đây là bệnh lý lành tính, không lây nhưng rất hay tái phát, ảnh hưởng thẩm mỹ cho người bệnh", bác sĩ Yến nhấn mạnh. 

Nhiều người bị viêm da nhẹ, da khô, bong vảy, ngứa hoặc nổi sần, chủ yếu là nữ. 

Bác sĩ cho biết mùa hè nắng nóng là thời điểm xuất hiện nhiều bệnh về da. Mỗi người thường có những yếu tố gây kích ứng khác nhau. Các yếu tố thường gặp như hóa chất từ hương liệu, chất bảo quản trong mỹ phẩm, p-phenylenediamine trong chất nhuộm tóc, formaldehyde trong nhựa dán, carbamix và thiramix trong cao su. Những tác nhân khác như sản phẩm từ than đá, thuốc bôi, hóa chất trừ sâu, kim loại đồng, thủy ngân, nickel, bạc, kẽm...

Tiếp xúc với lông chó, mèo hay sản phẩm làm từ da, lông thú, phấn hoa, nhựa của một vài loại cây cũng có thể khởi phát bệnh viêm da dị ứng. Quần áo làm từ sợi len, sợi thủy tinh, vải tổng hợp; bị côn trùng đốt hoặc tiếp xúc với ánh sáng mặt trời quá lâu, cũng được xem là dị nguyên (tác nhân gây dị ứng) với một số người.

Ở giai đoạn mới xuất hiện các triệu chứng, bạn có thể tự chăm sóc tại nhà. 

Đầu tiên, rửa sạch da mặt để loại bỏ bụi bẩn tích tụ trong nang lông. Tiếp đó, sử dụng đá viên hoặc dùng bông thấm nước lạnh đắp trực tiếp lên vùng da bị ảnh hưởng để giảm ngứa, viêm sưng, giảm nguy cơ tổn thương da lan rộng. Không nên đắp quá 20 phút một lần. Khoảng cách giữa các lần đắp không dưới một tiếng đồng hồ, tránh gây bỏng lạnh cho làn da. 

Có thể dùng nha đam rửa sạch, gọt vỏ rồi dùng thìa cạo lớp gel thoa lên da, sạch vùng da mặt. Để trong khoảng 10 phút và rửa lại bằng nước mát. Cách khác là bôi trực tiếp mật ong lên mặt trong 20 phút rồi rửa sạch để chống viêm và giảm ngứa da mặt, làm lành vết thương.

Dùng bột yến mạch cũng có thể cải thiện đáng kể tình trạng khô da, giữ ẩm và tăng cường hàng rào bảo vệ da. Tinh chất saponin trong yến mạch có đặc tính kháng khuẩn, giúp bảo vệ da chống lại vi khuẩn. Cellulose có tác dụng giữ ẩm, phục hồi tế bào da hư tổn. 

Theo bác sĩ Yến, để kiểm soát tình trạng viêm da dị ứng, nên loại bỏ các chất gây kích ứng, không sử dụng các loại xà phòng, chất tẩy rửa mạnh. Hạn chế sử dụng mỹ phẩm, nước hoa chứa nhiều hương liệu. Dưỡng ẩm da bằng kem dưỡng da phù hợp.

Hạn chế tiếp xúc với nắng, nhất là ánh nắng gắt mùa hè. Bổ sung rau, củ, quả chứa nhiều vitamin C, E, A, ngũ cốc nguyên hạt, bột yến mạch... Uống đủ hai lít nước mỗi ngày. 

Không nên ăn thực phẩm lạ, món có thể gây dị ứng, đồ ăn cay nóng, đồ ăn nhanh, nhiều dầu mỡ, rượu, bia, thuốc lá, đồ ngọt.

Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tạm thời giúp giảm đỏ và ngứa tại vùng da viêm. Bệnh nhân nên gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu để được tư vấn và điều trị dị ứng da mặt, đặc biệt khi triệu chứng nặng. 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
In bài viết

dt2_2

Copyright © 2019. Diendandiung.com

1
Bạn cần hỗ trợ?